Đào tạo Kỹ thuật Mỹ phẩm giữa Hàn Quốc và Việt Nam: cùng chia sẻ xu hướng nghiên cứu mới và phối hợp đào tạo tại hội thảo LUPIC 2025

Tiếp tục với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành mỹ phẩm Việt Nam và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, trong khuôn khổ dự án LUPIC, Đại học Daegu Haany (Hàn Quốc) và Trường Đại học Bách khoa đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế về Kỹ thuật Mỹ phẩm vào ngày 25/02/2025 với sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu trong ngành mỹ phẩm đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp của Hàn Quốc và Việt Nam. 

Đông đảo chuyên gia hàng đầu trong ngành mỹ phẩm của Hàn Quốc và Việt Nam cùng các bạn sinh viên.

Hội thảo đã cung cấp những thông tin giá trị về hoạt động của ngành mỹ phẩm tại Hàn Quốc và Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của các chương trình đào tạo và hợp tác quốc tế trong việc bồi dưỡng chuyên môn cho nguồn nhân lực. Chuyên ngành Kỹ thuật Mỹ phẩm tại Trường Đại học Bách khoa - chương trình đào tạo tiên phong trong lĩnh vực này tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc, được kỳ vọng mở ra một tương lai đầy triển vọng cho ngành mỹ phẩm.

PGS. TS. Phạm Trần Vũ - Phó Hiệu trưởng chia sẻ về những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng chuyên ngành Kỹ thuật Mỹ phẩm tại Trường Đại học Bách khoa.

Tại hội thảo, PGS. TS. Phạm Trần Vũ - Phó Hiệu trưởng đã chia sẻ về những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng chuyên ngành Kỹ thuật Mỹ phẩm tại Trường Đại học Bách khoa. Lộ trình phát triển nền tảng của ngành được thiết kế từ năm 2021 đến 2027, tập trung vào các mục tiêu dài hạn như hoàn thiện chương trình giảng dạy (bao gồm sách, giáo trình và chương trình đào tạo), đầu tư cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế, tiêu biểu là PTN Kỹ thuật Mỹ phẩm với 61 chủng loại thiết bị thí nghiệm hiện đại đã đi vào hoạt động từ tháng 9/2023.

 

Ngoài ra, các chương trình tăng cường năng lực cho giảng viên và sinh viên cũng được tích cực triển khai. Các giáo sư Đại học Daegu Haany đã hỗ trợ tổ chức các lớp giảng dạy thực hành, hội thảo sáng chế nước hoa, sản xuất mỹ phẩm thương hiệu Hàn Quốc - Việt Nam triển lãm tại VietBeauty 2024, sản xuất và tặng 100 nước rửa tay khô cho các trường tiểu học địa phương, đặc biệt tổ chức chương trình trao đổi tại Hàn Quốc cho sinh viên Trường Đại học Bách khoa. Các hoạt động này tạo tiền để Đại học Daegu Haany, Trường Đại học Bách khoa và các doanh nghiệp định hướng kế hoạch hành động trong tương lai nhằm giúp sinh viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng thực tiễn và nâng cao năng lực nghề nghiệp.

GS. Yoo Wang Keun - Giám đốc Dự án LUPIC Đại học Daegu Haany giới thiệu về dự án LUPIC và chuyên ngành Kỹ thuật Mỹ phẩm tại Trường ĐHBK.

Bên cạnh đó, tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã mang đến bức tranh tổng quan về ngành công nghiệp mỹ phẩm, tập trung vào xu hướng tiêu dùng hiện nay, thách thức phải đối mặt và tiềm năng phát triển của ngành. Một trong những xu hướng nổi bật là sự trỗi dậy của mỹ phẩm thuần chay và các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về sản phẩm an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường. Các chủ đề như "Cosmetotextile" – vật liệu vải tích hợp các thành phần chăm sóc sắc đẹp vào trong cấu trúc của vải, hay cellulose vi khuẩn – vật liệu mới cho ngành mỹ phẩm, hay vật liệu mỹ phẩm chức năng và neurocosmetic – các sản phẩm mỹ phẩm tác động đến hệ thần kinh cũng đã thu hút nhiều sự chú ý của người tham dự.

 

Những góc nhìn đa chiều và mới mẻ về ngành công nghiệp Mỹ phẩm tại hội thảo đã cho thấy nhu cầu cao trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong ngành công nghiệp mỹ phẩm mà ở đó, trường đại học - doanh nghiệp cần phát huy lợi thế hợp tác để cùng hiện thực mục tiêu chung này.

 

Một số hình ảnh:

 

Lãnh đạo của hai trường cùng đội ngũ quản lý dự án LUPIC.

Lãnh đạo của hai trường cùng đội ngũ quản lý dự án LUPIC.

PGS. TS. Lại Quốc Đạt - Trưởng phòng Quan hệ Đối ngoại chia sẻ về chủ đề hợp tác doanh nghiệp - nhà trường trong ngành mỹ phẩm.

Các đại biểu tại Hội thảo.