Trường Đại học Bách khoa là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên cả nước tổ chức tọa đàm phổ biến rộng rãi Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cho thấy tinh thần hưởng ứng mạnh mẽ những đổi mới mà nghị quyết đưa ra, đồng thời là bước chạy đà cho quá trình hoạch định và triển khai chương trình hành động mới tại Trường Đại học Bách khoa theo tinh thần của nghị quyết.
Toàn cảnh tọa đàm.
Nghị quyết 57-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành gồm nội dung chuyên sâu và đặc thù về khoa học – công nghệ, được tin tưởng sẽ tạo ra bước ngoặt lớn trong lĩnh vực này vào thời gian tới. Đến với tọa đàm vào sáng nay ngày 14/2/2025, đại diện các cơ sở giáo dục đại học, nhà quản lý, nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp mong đợi lắng nghe những quan điểm chỉ đạo thông suốt từ Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Khoa học Công nghệ, đồng thời tích cực tham gia thảo luận, đề xuất giải pháp để thực thi nghị quyết.
Quý lãnh đạo, quý vị khách quý và các thầy cô tham dự tọa đàm.
Với vai trò là lãnh đạo của Văn phòng Trung ương Đảng – cơ quan trực tiếp tham mưu và tổng hợp nội dung về nghị quyết, đồng chí Nguyễn Đức Kiên - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp đã dành hơn hai tiếng đồng hồ với nhiều chia sẻ tâm huyết và thẳng thắn về những quan điểm mấu chốt của Nghị quyết 57-NQ/TW. Ông đã dẫn dắt và gợi mở một không gian thảo luận sôi nổi để các nhà khoa học lớn như ông Lê Thanh Minh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, GS. TS. Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, PGS. TS. Lâm Quang Vinh - Trưởng ban Khoa học Công nghệ ĐHQG-HCM và đại diện công ty Marvell Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Trường Hải, tập đoàn FPT,... cùng đề xuất và bày tỏ ý kiến cá nhân. Nhiều câu hỏi và kiến nghị trong số đó được đánh giá là rất cụ thể và sát sao, cho thấy mức độ quan tâm lớn và mong đợi được đáp ứng kỳ vọng của các nhà khoa học dành cho những nhà hoạch định chính sách. Ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ hoan nghênh tinh thần chung và ý kiến đóng góp của các nhà khoa học tại tọa đàm để các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở điều chỉnh và hoàn thiện chính sách hơn nữa.
Công ty Marvell Việt Nam cam kết đồng hành cùng Trường Đại học Bách khoa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tinh thần của nghị quyết.
Xác định Nghị quyết 57-NQ/TW là bản thiết kế cho sự chuyển đổi quốc gia, đồng chí Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh đến thể chế - yếu tố cải cách mang tính tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước trong nghị quyết. Đổi mới thể chế gồm các giải pháp như cải cách cơ chế quản lý tài chính, đơn giản tối đa thủ tục hành chính trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; giao quyền tự chủ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu KHCN, ĐMST, CĐS; có cơ chế thí điểm thử nghiệm công nghệ mới,... Đây cũng chính là điều mà các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục rất kỳ vọng vì trong thời gian dài, việc nghiên cứu khoa học đổi mới sáng tạo gặp rào cản về mặt thể chế, theo ý kiến chung của nhiều nhà khoa học.
Đồng chí Nguyễn Đức Kiên - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng mang đến nhiều chia sẻ tâm huyết và thẳng thắn về những quan điểm mấu chốt của Nghị quyết 57-NQ/TW.
Cùng quan điểm này, GS. TS. Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa nhìn nhận bước đột phá quan trọng nhất trong Nghị quyết 57/NQ-TW là về đổi mới, cải cách thể chế và cơ chế. Nghị quyết cho thấy bước tiến trong quan điểm nhận thức về các hoạt động đặc thù của công tác nghiên cứu khoa học khi chấp nhận tính rủi ro đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học. Cơ chế này giúp cho các nhà khoa học cảm thấy yên tâm hơn khi tiến hành nghiên cứu, từ đó có thể khơi dậy sự mạnh dạn và tinh thần sáng tạo. Bên cạnh đó, nghị quyết cho thấy mức độ đầu tư về kinh phí, hạ tầng,... mạnh mẽ hơn cho khoa học công nghệ, trong khi trước đây nguồn kinh phí này còn hạn chế.
GS. TS. Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa phát biểu khai mạc và chào mừng các đại biểu đến tham dự, đóng góp cho tọa đàm.
Nghị quyết 57-NQ/TW đồng thời định vị các cơ sở giáo dục đại học và đội ngũ nhà khoa học là lực lượng chủ chốt để hiện thực hóa những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Đảng và Nhà nước giao phó, trong đó bao gồm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, phát triển đội ngũ giảng viên và nhà khoa học trình độ cao, có chính sách thu hút và đãi ngộ nhân tài, tăng cường hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng,...
Đây cũng chính là nhiệm vụ cốt lõi mà hệ thống ĐHQG-HCM và Trường Đại học Bách khoa kiên trì thực hiện. GS. TS. Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc ĐHQG khẳng định Nghị quyết 57/NQ-TW nêu lên nhiều điểm rất đặc biệt mà ĐHQG-HCM phải triển khai. ĐHQG-HCM xây dựng một số chương trình nghiên cứu trọng điểm và là thế mạnh của ĐHQG-HCM, các dự án đầu tư phòng thí nghiệm, triển khai chương trình đào tạo Tài năng ở tất cả các bậc Đào tạo, chính sách thu hút nhà khoa học về ĐHQG-HCM thông qua chương trình VNU350, vừa mới đây ban hành thêm chương trình Giáo sư thỉnh giảng.
GS. TS. Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc ĐHQG chia sẻ về kế hoạch của ĐHQG-HCM trong việc triển khai nghị quyết.
Đối với Trường Đại học Bách khoa, những năm qua, Trường đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, tiêu biểu trong đó có chương trình hỗ trợ và phát triển các nhóm nghiên cứu, chương trình hỗ trợ công bố quốc tế; đầu tư nâng cấp hạ tầng phục vụ nghiên cứu và đặc biệt có cơ chế được quy định rõ ràng trong đề án vị trí việc làm để tạo động lực cho các nhà khoa học. Hoạt động khoa học công nghệ đạt được những thành quả ấn tượng như số lượng công bố quốc tế tăng gấp 05 lần giai đoạn trước và vượt mốc hơn 1.000 công bố/năm, doanh thu chuyển giao công nghệ trung bình năm của trường đạt 150 - 170 tỷ đồng, tiên phong thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bên trong trường,...
Nghị quyết 57 với những điểm khơi thông trong thể chế, chính sách về nghiên cứu khoa học đổi mới sáng tạo đối với các cơ sở đào tạo sẽ tạo ra động lực để Trường Đại học Bách khoa - vốn đã có kinh nghiệm và lợi thế trong lĩnh vực này - tiếp tục thực thi các kế hoạch chiến lược đang ấp ủ. Ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ kỳ vọng với vai trò đầu tàu về khoa học kỹ thuật ở phía Nam Trường đại học Bách khoa sẽ nghiên cứu, chuẩn bị luận cứ và các đề xuất để nâng cấp các phòng thí nghiệm trọng điểm hiện có hoặc xây dựng thêm các phòng thí nghiệm trọng điểm mới (AI, đường sắt cao tốc…), cải tiến chương trình đào tạo, lên kế hoạch cho những đề án theo tinh thần của nghị quyết,...
Ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ hoan nghênh các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học tại tọa đàm.
GS. TS. Mai Thanh Phong nhìn nhận mang tầm chiến lược cho bước đột phá tiếp theo của Trường Đại học Bách khoa đó là phát triển thành trung tâm KHCN-ĐMST khu vực miền Nam - nơi quy tụ các nhà khoa học, các tập đoàn công nghệ hợp tác với trường và dẫn đầu trong đào tạo, nghiên cứu các ngành trọng điểm mà nghị quyết nêu ra như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, robot, in 3D, thiết kế sản xuất chip bán dẫn, tự động hóa, thiết bị tự hành, năng lượng mới, năng lượng tái tạo,...
* Một số hình ảnh trong chương trình Tọa đàm:
Quý lãnh đạo, quý vị khách quý và các thầy cô tham dự tọa đàm.
Quý lãnh đạo, quý vị khách quý và các thầy cô tham dự tọa đàm.
Ông Nguyễn Đức Kiên dẫn dắt phần tham luận và trao đổi với các đại biểu.
Đại biểu tham gia thảo luận và thẳng thắn chia sẻ góc nhìn về nghị quyết.
Đại biểu tham gia thảo luận và thẳng thắn chia sẻ góc nhìn về nghị quyết.
Đại diện doanh nghiệp nêu quan điểm và sáng kiến.
Đại diện doanh nghiệp nêu quan điểm và sáng kiến.
Toàn cảnh tọa đàm.
P.QTTH-TT